Chắc hẳn, với mỗi chúng ta đã không còn quá xa lạ với các cụm từ “Smartphone” (điện thoại thông minh), “Smart watch” (đồng hồ thông minh), “Smart TV” (vô tuyến thông minh)… nhưng bạn đã từng nghe nói đến “Smarthome” hay chưa? Smarthome chính là một sản phẩm tất yếu của nền cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cấp trải nghiệm sống cho con người.
Trong bài viết này, bạn hãy theo chân Sforum tìm hiểu xem “Smarthome” là gì nhé! Biết đâu bạn cũng đang sở hữu một “Smarthome” thì sao, đúng không nào?
Smarthome là gì?
Smarthome (Nhà thông minh) là tên gọi chung của các ngôi nhà, căn hộ, công trình xây dựng… lắp đặt các thiết bị điện tử được điều khiển bán tự động hoặc tự động hóa. Điều này giúp thực hiện các mệnh lệnh, quản lý và điều khiển toàn bộ ngôi nhà mà không cần con người trực tiếp tham gia. Người dùng có thể giao tiếp với các thiết bị trong smarthome của mình thông qua hệ thống bảng điện tử, ứng dụng trên di động hoặc qua một trang web…
Smarthome ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại ( công nghệ hồng ngoại, IoT, công nghệ đám mây…) nên có thể tự động giúp chủ nhân ngôi nhà điều khiển các hoạt động. “Tự động hóa” biến khối lượng công việc của bạn giảm đi và dành thời gian cho bạn nhiều thời gian tận hưởng cuộc sống chính là ưu điểm nổi trội khiến Smarthome rất được lòng người dùng công nghệ.
Trong một chiếc Smarthome, mọi thứ sẽ được kiểm soát bằng các thiết bị điện tử thông qua cách giao tiếp riêng với nhau như: Bluetooth, Zigbee, Z-Wave, Wifi, Matter, KNX…Và bạn chỉ cần điều khiển chúng qua chính chiếc điện thoại hay bằng giọng nói của mình.
Mô hình Smarthome
Có rất nhiều mô hình nhà thông minh (Smarthome) được áp dụng trong cuộc sống như: Mô hình căn hộ thông minh 2 phòng ngủ với Acis, Mô hình nhà thông minh mặt phố, Mô hình Villa thông minh với Acis… Nhưng hiện nay, có 3 mô hình nhà thông minh được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi hơn cả là: Mô hình chung cư thông minh (2 phòng ngủ), Mô hình nhà thông minh 3 tầng và Mô hình biệt thự thông minh.
Mô hình chung cư thông minh (2 phòng ngủ)
Mô hình nhà này khá phổ biến và được dùng nhiều ở thành phố vì phòng không chiếm nhiều diện tích và đều nằm trong chung cư. Ngôi nhà gồm 2 phòng ngủ và các thiết bị cảm ứng tự động được lắp toàn bộ trong nhà giúp chủ nhân có thể dễ dàng biến căn hộ bình thường trở thành căn chung cư thông minh.
Mô hình nhà thông minh 3 tầng
Với mô hình này, diện tích căn nhà và khu vườn chiếm diện tích lớn. Việc lắp đặt mô hình nhà thông minh 3 tầng gồm tất cả các trang thiết bị tự động và cảm ứng. Điều này giúp chủ nhân ngôi nhà dù không có mặt tại nhà 24/7 nhưng vẫn có thể quản lý ngôi nhà của mình một cách tiện lợi.
Mô hình biệt thự thông minh
Biệt thự 3 tầng được trang bị hệ thống thiết bị hiện đại, đòi hỏi một hệ thống tối cao gồm nhiều thiết bị cảm ứng và tự động. Bên cạnh việc lắp đặt hệ thống an ninh như bình thường, biệt thự còn sử dụng hệ thống an toàn, chặt chẽ, đặc biệt là được tự động hóa.
Ngôi nhà thông minh có mấy đặc điểm?
Sỡ dĩ, Smarthome sẽ tạo ra xu hướng trong tương lai là bởi những chức năng vượt trội mà nó đem lại cho chủ nhân trong cuộc sống.
Tiết kiệm năng lượng
Sở dĩ, ngôi nhà thông minh giúp tiết kiệm năng lượng là bởi khả năng tự động đóng/ mở, bật/tắt các thiết bị của nó. Hệ thống tự động hóa được lập trình để ngắt nguồn điện, tắt các thiết bị điện tử trong nhà như thiết bị sưởi, điều hòa, đèn…khi không sử dụng hoặc bị chủ nhân “lãng quên”.
Tạo ra ánh sáng thông minh cho ngôi nhà
Điểm nhấn cho ngôi nhà thông minh chính là hệ thống ánh sáng:
- Bạn có thể bật/tắt điện từ xa thông qua thiết bị di động của mình.
- Bạn có thể hẹn giờ, lên lịch hoạt động cho các bóng đèn trong nhà. Ví dụ như bật bóng đèn khi trời tối hay tắt chúng vào mỗi buổi sáng.
- Bạn cũng có thể điều khiển đèn (tăng, giảm sáng, bật/tắt đèn…) bằng giọng nói với các trợ lý ảo.
Và hệ thống ánh sáng cũng có thể kết hợp cùng các phụ kiện thông minh khác thông qua cảm biến thông minh.
Đảm bảo an ninh cho toàn bộ ngôi nhà
Đó là nhờ sử dụng các Camera thông minh và thiết bị an ninh chất lượng cao thường kết nối trực tiếp với điện thoại của chủ nhân. Ví dụ như các thiết bị an ninh cảm biến hồng ngoại ban đêm rõ nét, có thể sử dụng không dây, chống chịu nước và nhiệt độ cao. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng các chuông cửa thông minh có camera giám sát từ Google và Ring.
Hệ thống rèm cửa tự động
Hệ thống rèm cửa, cửa sổ, cửa ra vào tự động… cũng luôn được tích hợp trong một ngôi nhà thông minh và điều khiển thông qua một cái chạm tay. Chủ nhân ngôi nhà cũng có thể thiết lập lịch trình cho rèm cửa như hạ xuống vào tối hôm trước và mở lên vào sáng hôm sau.
Điều khiển ngôi nhà bằng giọng nói
Smarthome có một chức năng vô cùng đặc biệt đó là điều khiển bằng giọng nói. Chúng cho phép chủ nhà điều khiển, quản lý tất cả các thiết bị trong gia đình bằng giọng nói của chính mình từ xa thông qua trợ lý ảo. Các trợ lý ảo phổ biến nhất hiện nay đó là Siri, Google Assistant, Amazon Alexa.
Điều hòa thông minh
Chỉ với một thiết bị hồng ngoại không dây, chủ nhân có thể điều khiển máy lạnh từ điện thoại của mình. Các thiết bị này có các chức năng rất hữu ích như:
- Điều khiển Bật/Tắt máy lạnh, quạt thông qua điện thoại.
- Kiểm tra trạng thái, nhiệt độ của các máy lạnh trong thời gian thực từ xa.
- Tự động tắt/bật điều hòa, tăng/giảm nhiệt độ với các cảm biến nhiệt độ.
- Chức năng tự học: tìm hiểu bộ điều khiển từ xa nếu thiết bị không khả dụng.
- Có thể điều khiển bằng giọng nói với Google Assistant và Alexa, Siri.
Chi phí để tạo ra Smarthome
Thực ra, không có một mức chi phí cố định nào để tạo ra một căn Smarthome. Nếu như lúc trước, Smarthome chỉ là một sản phẩm trong các bộ phim viễn tưởng, thì hiện nay nó hoàn toàn có thể được “hiện thực hóa”. Bạn có tin rằng chỉ với chục triệu đã có thể tạo cho mình một căn Smarthome? Điều đó còn tùy thuộc vào mức độ hiện đại thông qua số lượng thiết bị thông minh trong ngôi nhà, từ một vài thiết bị… trở thành nguyên một ngôi nhà toàn thiết bị thông minh.
Với những người mới bắt đầu gia nhập “hội mê nhà thông minh”, có thể sử dụng các sản phẩm đơn giản như: cảm biến chuyển động, công tắc thông minh, đèn thông minh, Loa thông minh… Sau đó, khi đã có kinh nghiệm và hiểu biết về các thiết bị nhà thông minh, người dùng hoàn toàn có thể mở rộng ra thành một nhà thông minh đúng chất.
Một số thiết bị thường sử dụng cho Smarthome
Dù bạn chưa từng hay đã quen thuộc với Smarthome thì chắc hẳn bạn cũng đã từng nghe đến các thương hiệu công nghệ thông minh như: Philips Hue, Aqara, Google, Tuya… Các thương hiệu này cung cấp đa dạng các thiết bị nhà thông minh từ Loa (mini) thông minh, Đèn thông minh, Công tắc, Ổ khoá… cho đến Camera thông minh, Động cơ rèm, Thiết bị trung tâm…
Một số thiết bị thông minh bạn có thể trang bị cho ngôi nhà của mình:
- Bóng đèn thông minh Philips Hue White and Color Ambiance E27
- Công tắc thông minh Aqara D1
- Loa Google Nest Mini thế hệ 2
- Google Chromecast with Google TV 2020
- Google Nest WiFi thế hệ 2
- Ổ cắm công suất cao Tuya
Các thiết bị này có thể được điều khiển thông qua các ứng dụng nhà thông minh nổi tiếng như Apple HomeKit, Google Home, Mi Home…giúp chủ nhân có thể dễ dàng quản lý thiết bị trong nhà từ chính chiếc điện thoại của mình.
Tạm kết:
Smarthome dần trở thành xu hướng trong cuộc sống của chúng ta, mang lại cho người dùng nhiều tiện ích và trải nghiệm sống lý thú. Bạn có muốn gia nhập hội “yêu nhà” và biến ngôi nhà của mình trở nên thông minh hơn trong tương lai?